GIỚI THIỆU VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA THANH OAI
Bệnh viện huyện Thanh Oai được thành lập theo Quyết định số: 562/QĐ-UBND ngày 31/3/2006 của UBND tỉnh Hà Tây. Khi mới thành
lập, bệnh viện được Sở Y tế tỉnh Hà Tây giao chỉ tiêu 120 giường bệnh, bệnh viện có tổng số 94 cán bộ viên chức, trong đó cán bộ có trình độ đại học và sau đại học là 24 người ( 8 bác sỹ CKI, 13 bác sỹ, 02 dược sỹ và 01 kế toán) còn lại 70 người có trình độ cao đẳng, trung học và sơ học, năm 2006 bệnh viện khám bệnh cho khoảng 110.000 lượt người, điều trị nội trú cho khoảng 9.000 bệnh nhân, tổng thu viện phí khoảng 2,5 tỷ đồng.
Năm 2008 tỉnh Hà Tây sát nhập về thành phố Hà Nội, bệnh viện huyện Thanh Oai được đổi tên thành bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai thuộc Sở Y tế hà Nội theo Quyết định số: 1374/QĐ-UBND ngày 17/10/2008 của UBND thành phố Hà Nội.
Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai hoạt động theo giấy phép số: 0015/SYT-GPHĐBV ngày 30/12/2013 của Sở Y tế Hà Nội. Năm 2017 bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oa được công nhậ xếp hạng II thuộc Sở Y tế Hà Nội theo Quyết định số: 7746/QĐ-UBND ngày 6/11/2017 của UBND thành phố Hà Nội.
Hiện tại bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, bệnh viện có 16 khoa, phòng và 02 đơn nguyên gồm: 04 phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng và cận lâm sàng và 02 đơn nguyên . Năm 2019 bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội giao Kế hoạch 220 giường bệnh, nhân lực giao 240 người. Bệnh viện có tổng số 285 giường bệnh thực kê với tổng số cán bộ, viên chức, người lao động là 206 người trong đó có 01 tiến sỹ, 02 bác sỹ CKII, 09 bác sỹ CKI, 33 bác sỹ, 01 thạc sỹ dược sỹ, 01 dược sỹ CKI, 02 dược sỹ đại học và 157 cán bộ các chuyên ngành khác. Bệnh viện có các trang thiết bị hiện đại như: Máy X quang Kỹ thuật số DR, hai hệ thống nội soi tiêu hóa, hai máy siêu âm màu 4 chiều, hai máy thở, một hệ thống phẫu thuật nội soi và còn nhiều các trang thiết bị hiện đại khác. Bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật cao, hiện đại như: Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm; phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung vỡ; chụp X quang kỹ thuật số; siêu âm Doppler màu tim; siêu âm Doppler màu mạch máu; siêu âm 4 chiều sản phụ khoa; nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng ống mềm chẩn đoán; nội soi đại trực tràng ống mềm chẩn đoán; đặt nội khí quản; thở máy xâm nhập; đặt nội khí quản; cùng nhiều các kỹ thuật hiện đại khác.
Trải qua các thời kỳ giám đốc, mặc dù gặp không it khó khăn nhưng với tấm lòng yêu nghề và y đức cao của mình, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai đã luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, hằng năm các chỉ tiêu chuyên môn đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Ban lãnh đạo Bệnh viện thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt quy chế chuyên môn, thái độ ứng xử, cải cách các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh, tổ chức cho cán bộ, viên chức, người lao động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, để chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện ngày càng đi lên, ngày càng được người dân tin tưởng, thu hút ngày càng đông người dân đến khám bệnh và điều trị.
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BVĐK HUYỆN THANH OAI
Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai là một bệnh viện đa koa hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện Thanh Oai và một số huyện lân cận. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ chuyên môn, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp. Bệnh viện có các chức năng và nhiệm vụ sau:
1. Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh
a. Tiếp nhận tất cả các trường hợp người bệnh từ ngoài vào hoặc các Trạm Y tế, các phòng khám tư nhân chuyển đến để cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú.
b. Tổ chức khám sức khoẻ và chứng nhận sức khoẻ theo quy định của Nhà nước.
c. Có trách nhiệm giải quyết toàn bộ các bệnh tật thông thường về nội khoa và các trường hợp cấp cứu về ngoại khoa.
d. Tổ chức khám giám định sức khoẻ, giám định pháp y khi hội đồng giám định y khoa thành phố, hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.
e. Tổ chức chuyển người bệnh lên tuyến trên khi vượt quá khả năng của Bệnh viện.
2. Đào tạo cán bộ y tế
a. Bệnh viện là cơ sở thực hành cho các trường, lớp trung học y tế.
b. Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong Bệnh viện và cơ sở y tế tuyến dưới để nâng cấp trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
3. Nghiên cứu khoa học về y học
a. Tổ chức tổng kết đánh giá các đề tài và chương trình về chăm sóc sức khoẻ ban đầu
b. Tham gia các công trình nghiên cứu về y tế cộng đồng và dịch tễ học trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cấp Bộ và cấp Cơ sở.
c. Nghiên cứu áp dụng y học cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.
4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn, kỹ thuật.
a. Lập kế hoạch và chỉ đạo tuyến dưới (phòng khám đa khoa, các Trạm Y tế xã) thực hiện các pháp đồ chẩn đoán và điều trị.
b. Tổ chức chỉ đạo các xã, phường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các chương trình y tế địa phương.
5. Phòng bệnh
a. Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, phòng dịch.
b. Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.
6. Hợp tác quốc tế
Tham gia các chương trình hợp tác với các tổ chức và cá nhân ở ngoài nước theo quy định của Nhà nước.
7. Hợp tác kinh tế y tế
a. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí.
b. Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư của nước ngoài và các tổ chức kinh tế.
c. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy dịnh của Nhà nước về thu, chi ngân sách của Bệnh viện; Từng bước thực hiện hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.